Thanh Hóa - Quảng Nam (ngày 12 tháng 3 năm 1960) Phong_trào_kết_nghĩa_Bắc-Nam

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trịBan Thống nhất Trung ương, ngày 12 tháng 3 năm 1960, tại thị xã Thanh Hóa(nay là thành phố Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Việc kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị sau đó của hai tỉnh đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tích cực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.

Sau đó, các huyện, thị của hai tỉnh cũng lần lượt làm lễ kết nghĩa: thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) kết nghĩa với thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An); Hoằng Hóa - Điện Bàn; Quảng Xương - Hòa Vang (nay thuộc thành phố Đà Nẵng); Thọ Xuân - Quế Sơn; Đông Sơn - Thăng Bình; Triệu Sơn - Tam Kỳ; Nông Cống - Duy Xuyên; Tĩnh Gia - Đại Lộc, Nga Sơn - Tiên Phước.

  • Tháng 3 năm 1960: Thư viện Thanh Hóa khai trương tủ sách kết nghĩa, đặt nền móng để bước sang năm 1961, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thành lập Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa đặt tại trung tâm thị xã Thanh Hóa (chùa Hội Quán, phố Trần Phú, nay là Nhà xuất bản Thanh Hóa).
  • Ngày 7 tháng 12 năm 1960: Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Nghị quyết số 57- NQ/TU về chiến dịch Đông Xuân, "Điện Biên - Thanh Hoá - Quảng Nam quyết thắng".
  • Ngày 21 tháng 2 năm 1961: Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Thông tri số 405-TT/TU, về việc phổ biến bức thư của đồng bào Quảng Nam gửi đồng bào Thanh Hoá.
  • Cuối tháng 7 năm 1962: Đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng gửi thư cho đồng bào tỉnh Thanh Hoá về một số thành tích của đồng bào và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
  • Ngày 16 tháng 7 năm 1963: Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng gửi thư cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa: Chúng tôi tin tưởng sắt đá là thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân chúng ta, Mỹ - Diệm nhất định bị thất bại thảm hại.
  • Ngày 16 tháng 7 năm 1965: Cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương, bộ đội phòng không và dân quân tự vệ Thanh Hoá gửi Thư chúc mừng chiến thắng sân bay Đà Nẵng.
  • Đầu tháng 3 năm 1967: Chị Trần Thị Vân - chiến sĩ cách mạng, người huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã gửi Thư cho các mẹ các chị người con của quê hương Thanh Hóa về những tình cảm của mình khi được ra thăm Miền Bắc và về thăm Thanh Hoá.
  • Tháng 8 năm 1967: tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành (căn cứ cũ của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hoá thời kỳ 1940-1941), Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn được thành lập. Tiểu đoàn có 500 cán bộ, chiến sĩ được biên chế thành 5 đại đội. Sau một thời gian huấn luyện kỹ chiến thuật và được trang bị đầy đủ, ngày 01 tháng 01 năm 1968, Tiểu đoàn làm lễ xuất quân, chi viện cho Quảng Nam, Quảng Đà. Từ năm 1968 đến năm 1975, Tiểu đoàn đã chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào việc giải phóng Quảng Nam- Đà Nẵng.
  • Giữa năm 1968: Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Công an Thanh Hóa đã chi viện cho an ninh hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà 32 đồng chí.
  • Từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11 năm 1969: Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam do đồng chí Trần Đình Tri làm Trưởng đoàn đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ VII. Tại Đại hội, Đoàn đại biểu Quảng Nam tham gia phát biểu đã khẳng định: Quảng - Thanh chung sức diệt thù. Mối tình đoàn kết nghìn thu không mờ.
  • Năm 1971: Cán bộ đảng viên và quần chúng yêu nước bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An, không quản chế độ lao tù hà khắc đã thêu một chiến khăn bài thơ: Nhật ký trong tù của Bác Hồ, tặng cho Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ VIII năm 1971.
  • Tháng 8 năm 1972: Quân dân Thanh Hoá gửi thư cho chiến sĩ và đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng nhân kỷ niệm 2/9/1972.
  • Giữa năm 1973: Đoàn văn công mang tên Thanh - Quảng đã từ Thanh Hóa vào phục vụ tại Quảng Nam nói riêng, khu 5 nói chung. Đoàn tập hợp nhiều nghệ sĩ gốc Thanh Hóa và miền Tây Quảng Nam (chủ yếu là những nghệ sĩ người dân tộc Cơ-tu thuộc các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang).
  • Ngày 12 tháng 4 năm 1975: Thư kêu gọi của UBHC và UBMTTQVN tỉnh Thanh Hoá về chủ trương tổ chức cuộc vận động vay lương thực để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong đó có tỉnh Quảng Nam kết nghĩa.
  • Tháng 5 năm 1975: Tỉnh Thanh Hoá tăng cường đợt cán bộ đầu tiên cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; các năm sau đó, tiếp tục tăng cường hàng ngàn cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo trên các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nông - lâm nghiệp...
  • Tháng 5 năm 1975: Thư viện Thanh Hóa - Quảng Nam đã chuyển tặng Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng 6 vạn cuốn sách gồm nhiều thể loại khác nhau. Số sách trên đã phân chia cho 3 Thư viện: Thư viện Hội An (gọi là Thư viện Thanh Hóa - Hội An) 1 vạn cuốn; Thư viện Tam Kỳ 1 vạn cuốn; Thư viện Đà Nẵng 4 vạn cuốn những năm sau đó Thanh Hóa còn cung cấp bổ sung cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hàng ngàn cuốn sách.
  • Ngày 28 tháng 6 năm 1975: Quân dân tỉnh Thanh Hóa cử Đoàn ca múa và Đoàn Tuồng vào phục vụ đồng bào tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại rạp hát Trưng Vương.
  • Ngày 17 tháng 10 năm 1978: Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Chỉ thị số 44/CT-TV, ngày 17 tháng 10 năm 1978, về việc Tiết kiệm lương thực, tương trợ đồng bào Thanh Hóa kết nghĩa khắc phục hậu quả bão lụt.
  • Ngày 9 tháng 10 năm 1980: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Nghị quyết số 13/NQ/TV về một số công tác trước mắt; trong đó có việc chi viện đối với tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa vừa bị cơn bão số 6 gây thiệt hại nghiêm trọng.
  • Tháng 6 năm 1985: Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng mở trại sáng tác văn học nghệ thuật và mời một số trại viên ở các tỉnh kết nghĩa như Thanh Hóa, Hải Phòng,...
  • Ngày 6 tháng 6 năm 1989: Tỉnh uỷ Thanh Hóa ra Thông báo số 43TB/TU về việc ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng khắc phục hậu quả cơn bão số 2 (5/1989).
  • Cuối năm 1994: Tại thành phố Đà Nẵng, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập.
  • Ngày 11 tháng 3 năm 1998: Hội đồng hương Thanh Hoá tại Quảng Nam được thành lập.
  • Trưa ngày 19 tháng 7 năm 2007: Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam và Đài Phát thanh- Truyền hình Thanh Hóa phối hợp tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề "Thủy chung nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam".
  • Tháng 12 năm 2008: Tỉnh Quảng Nam xuất bản cuốn Tiểu thuyết: "Truyền thuyết Sông Thu Bồn" (viết về quá trình chiến đấu của Tiểu đoàn Lam Sơn trên chiến trường Quảng Nam) của tác giả Từ Nguyên Tĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa.
  • Ngày 14 tháng 8 năm 2009: Tại thành phố Hội An, các nghệ nhân đúc đồng Thanh Hóa đã đúc thành công chiếc trống đồng Đông Sơn và trao tặng cho thành phố Hội An nhân dịp lễ hội "Những ngày giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản 2009".
  • Ngày 11 tháng 3 năm 2010, tại giao lộ Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã chính thức khai trương tên đường Thanh Hóa tại TP. Tam Kỳ. Đường Thanh Hóa có tổng chiều dài 9 km (từ biển Tam Thanh đến đường Nguyễn Hoàng) đi qua địa giới của các xã, phường Tam Thanh, Tam Phú, Hòa Hương và An Sơn; tuyến đường sẽ là cầu nối để phát triển vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình. Ngoài ra, TP. Tam Kỳ còn có tuyến đường mang tên Lam Sơn, đặt tại Khu đô thị mới Tân Thạnh. Đường Lam Sơn có chiều dài 1 km, nối đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Trần Hưng Đạo.
  • Tháng 3 tháng 4 năm 2010: Hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam tổ chức một số hoạt động lớn chào mừng kỷ niệm 50 năm kết nghĩa như: tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, xuất bản và phát hành kỷ "50 năm, nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam" và nhiều hoạt động khác.
  • Nhân dịp lễ kỷ niệm 55 năm ngày hai thành phố kết nghĩa (năm 2015), mô hình chùa Cầu cùng hai trụ biểu được Thành phố Hội An tặng thành phố Thanh Hóa phục vụ nhân dân Thanh Hóa tham quan mô hình của biểu tượng Hội An - di sản văn hóa thế giới.[5]

Hiện nay ở thành phố Thanh Hóa có rạp hát Hội An, công viên Thanh Quảng.